Lạc Dương - Điểm đến của tương lai

Lạc Dương - Điểm đến của tương lai

Trung tuần tháng 4 vừa qua, sự kiện huyện Lạc Dương lần đầu tiên mang thế mạnh của mình xuống TP Hồ Chí Minh giới thiệu tiềm năng của địa phương, đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới đầu tư trong lĩnh vực du lịch và sản xuất nông nghiệp không hóa chất. Dấu mốc này, không đơn thuần chỉ là cơ hội để Lạc Dương gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng và mời gọi đến với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế, mà còn khẳng định sự chủ động có tính chiến lược lâu dài, mạnh dạn nắm bắt cơ hội để không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách, qua đó tạo ra sự phát triển mang tính bền vững của địa phương trong tương lai. Thông qua góc nhìn của Báo Lâm Đồng, chúng tôi sẽ giới thiệu những tiềm năng và thế mạnh của vùng đất này với bạn đọc, để những ai quan tâm có cái nhìn tổng quát và sự soi chiếu dưới nhiều góc độ về vùng đất được xem như “Điểm đến của tương lai”.

Hướng tới một nền nông nghiệp tử tế

Sau nhiều năm xây dựng, hoạch định chính sách, huyện Lạc Dương hiện nay đã là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn trong và ngoài nước hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, Lạc Dương cũng là một trong những địa phương tiên phong của Lâm Đồng trong việc thực hiện sản xuất nông nghiệp không hóa chất, hướng tới một nền “Nông nghiệp xanh” đúng nghĩa.

Với lợi thế là địa phương được hưởng cơ chế đặc thù, là vệ tinh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Đà Lạt, được gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương đã tập trung toàn lực cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra những bước chuyển biến tích cực về năng suất, chất lượng và quy mô canh tác, đa dạng sản phẩm cây trồng đặc trưng, đạt nhiều tiêu chuẩn khắt khe trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, với địa hình độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển, huyện Lạc Dương đang có lợi thế phát triển các loại rau có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, Lạc Dương có gần 930ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính; thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 300 triệu đồng/ha/năm, trong đó diện tích trồng rau trong nhà kính đạt 500 - 800 triệu/ha/năm; các loại hoa cao cấp trồng trong nhà kính với doanh thu ước đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có những diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Định lượng để so sánh với cả nước, giá trị sản xuất thu nhập bình quân chung trên một diện tích đất sản xuất của huyện Lạc Dương cao hơn gấp 3 lần. So với các vùng rau, hoa nổi tiếng khác của Lâm Đồng như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng... Lạc Dương là huyện có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ nhanh, với nguồn lực cho sản lượng đầu ra nông sản khá lớn.

Hơn thế, Lạc Dương cũng là vùng đất được tỉnh “chọn mặt gửi vàng” với quỹ đất dồi dào, khi trên địa bàn huyện có 4 khu và 1 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được phê duyệt; trong đó, có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng phê duyệt (Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng tại xã Đạ Sar với quy mô lên tới gần 222ha); thu hút hơn 30 doanh nghiệp, 15 HTX, 2 trang trại đầu tư sản xuất.

Không khó để có thể liệt kê những tiềm năng và thế mạnh của Lạc Dương trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là vùng đất có điều kiện khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, lợi thế lớn nhất của Lạc Dương chính là việc đã được quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh.

Địa phương này cũng có vị trí vô cùng thuận lợi khi có tuyến Quốc lộ 2C nối Nha Trang - Lạc Dương - Đà Lạt vắt qua; tuyến đường Trường Sơn Đông - 722 nối Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên xuyên qua Lạc Dương. Phong trào xây dựng nông thôn mới và sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng trong nhiều năm đã giúp cho 6 xã - thị trấn của huyện có đường đến tận trung tâm, đường giao thông nông thôn cơ bản đã đến các khu dân cư, khu sản xuất tập trung. 

Về vấn đề con người, phần lớn lao động trong sản xuất nông nghiệp của Lạc Dương đều có trình độ canh tác khá cao do có sự tiếp thu nhanh công nghệ mới trong nước cũng như trên thế giới (kể cả ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Trong sản xuất rau, hoa, người dân đã biết ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thảo mộc. Chính việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao gấp 3 đến 5 lần so với canh tác truyền thống nên đây cũng được xem là động lực để người dân trong huyện mạnh dạn chuyển đổi phần lớn diện tích sang sản xuất hữu cơ.

Bên cạnh những lợi thế đó, Lạc Dương cũng là địa phương có diện tích rừng lớn, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 85%. Rừng trên địa bàn huyện có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, nguồn nước, hệ sinh vật và tạo vùng đệm cách ly an toàn để phát triển sản xuất nông nghiệp không hóa chất, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - Sử Thanh Hoài cho biết: “Việc hướng tới một nền sản xuất xanh, sạch luôn là một trong những nội dung phát triển được huyện tập trung chú trọng. Đây là phương pháp canh tác rau quả, thực phẩm không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, lớn hơn đó là sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên”.

Khó và nghiêm ngặt trong các quy định về tiêu chuẩn, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp tại Lạc Dương đã tuân thủ và thu được thành quả nhờ áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ mang tính đột phá. Điển hình có thể kể đến sự thành công của HTX Minh Thọ Organic - nơi sản xuất phúc bồn tử có diện tích lên đến 5 ha đạt giấy chứng nhận phương pháp sản xuất hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty Langbiang.F Dâu rừng, Chủ nhiệm HTX Minh Thọ Organic: “Trái phúc bồn tử trồng không theo thuần túy tự nhiên và nhiệt độ sẽ không bao giờ có sự sinh trưởng khỏe mạnh. Có thể nói Lạc Dương có khí hậu tương đối giống châu Âu nên cây phát triển tốt và mang hương vị riêng”.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: “Tiềm năng phát triển của huyện là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên huyện cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức và rào cản nhất định. Trong đó, phải kể đến chưa có sự liên kết từ khâu sản xuất, chế biến và thị trường lớn để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cũng như khả năng cung cấp các đơn hàng hữu cơ còn thấp. Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn chưa được thực hiện rộng rãi. Việc đầu tư các nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư. Chính vì lẽ đó, huyện Lạc Dương đang có những chương trình thúc đẩy giao thương, đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, có thiện chí ở cả trong và ngoài tỉnh”./.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn