Nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê, chị K Chăm (30 tuổi, ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã tìm hiểu, xây dựng thương hiệu cà phê Yũ M’nang, đưa sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất đến với nhiều người tiêu dùng. Sau 2 năm phát triển, cà phê Yũ M’nang đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Năm 2018, cô cử nhân K Chăm, đang là giáo viên dạy Anh văn tại một trường tiểu học, đã quyết định nghỉ việc trở về nhà khởi nghiệp với thương hiệu cà phê Yũ M’nang – loại cà phê bột được chế biến từ những quả cà phê Arabica chín vàng của địa phương.
Chị K Chăm chia sẻ, cây cà phê đã gắn bó nhiều đời với gia đình và bà con nơi đây. Tuy nhiên do chỉ bán thô, nên lúc cà phê rớt giá, bà con cả năm chăm bón không còn dư đồng nào. Thấy nhiều du khách trong và ngoài nước thường xuyên đến núi M’nang săn mây, ngắm mai anh đào nở, chị lên ý tưởng phải xây dựng một thương hiệu cà phê đặc trưng của địa phương để giúp bà con nâng cao thu nhập. Nghĩ là làm, bằng sự nhạy bén, chị K chăm đã mở quán cà phê, vay mượn gần 200 triệu đồng mua sắm máy móc rang xay, đóng gói sản phẩm.
Cà phê Arabica Vàng được chứng nhận sản phẩm OCOP của K Chăm.
“Bà con thường hái tuốt nên giá cà phê rất thấp, khi thành lập cà phê Yũ M’nang tôi mong muốn là người đi đầu làm cà phê chất lượng cao và giúp bà con nhìn nhận ra để làm theo từ đó nâng tầm giá trị cà phê lên. Bởi vì cà phê Arabica ở Đạ Sar có giá trị kinh tế rất là lớn không thua kém gì cà phê ở các vùng khác. Chẳng qua do cách sơ chế và cách thu hái cả quả xanh của bà con nên khi các đơn vị thu mua thường lấy cớ để ép giá khiến thu nhập bà con bị ảnh hưởng” - chị K Chăm cho biết.
Hiện mỗi ký cà phê Arabica chín vàng, chị K Chăm thu mua quả tươi với giá 10.000 đồng/kg, trong khi đó nếu bà con hái tuốt bán tươi giá chỉ được 6.000 - 7.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, mỗi kg cà phê Arabica vàng chị bán giá 600.000 đồng, gấp đôi so với những loại cà phê xô khác.
Bà K Hên, ở thôn 4 xã, Đạ Sar, huyện Lạc Dương chia sẻ, thấy K Chăm làm hiệu quả bà con cũng học theo. Tuy hái lựa quả chín vàng tốn thời gian, nhưng bán được giá cao hơn nên ai cũng vui.
Theo bà K Hên: “Đợt trước gia đình chỉ sản xuất cà phê theo kinh nghiệm, sau khi được K Chăm chỉ cho cách làm cà phê nguyên chất, sạch nên các du khách họ mua cũng mua nhiều lắm, họ còn khen cà phê ngon nên chúng tôi bán cũng được giá”.
Sau 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm cà phê Yũ M’nang của K Chăm đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lâm Đồng. Để đảm bảo lượng cà phê cung ứng cho thị trường, K Chăm đã liên kết với một số hộ dân trong xã nâng diện tích sản xuất cà phê sạch. Đồng thời, chị tích cực quảng bá trên các trang mạng xã hội và tự mình đến các cửa hàng trong và ngoài tỉnh tiếp thị, tìm kiếm, kết nối khách hàng.
K Chăm giới thiệu sản phẩm cho bà con và du khách.Bà Liêng Trang K Sáu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar cho biết, mô hình sản xuất, kinh doanh cà phê của K Chăm đã giúp cho nhiều gia đình thay đổi cách sản xuất. Cà phê Yũ M’nang đạt OCOP đã hình thành thêm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho bà con K’ho.
“Thời gian qua giá cà phê xuống thấp nên nhiều bà con không còn mặn mà khi phân bón tăng giá, tiền thuê nhân công cao. Do đó khi K Chăm thực hiện thành công mô hình cà phê sạch, chất lượng cao đã giúp cho bà con tăng thêm thu nhập, đồng thời mở thêm hướng làm ăn mới nên bà con rất vui. Từ mô hình khởi nghiệp của K Chăm đã tạo thêm nhiều động lực cho các thanh niên khác khởi nghiệp. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp giúp tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho gia đình vay vốn để phát triển sản xuất” - bà Liêng Trang K Sáu bày tỏ.
Khởi nghiệp với nông sản tiêu biểu của quê hương, K Chăm đã góp phần nâng tầm giá trị của cây cà phê Arabica vàng dưới chân núi M’nang, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững gắn với làm du lịch cho cộng đồng người K’ho ở Đạ Sar.
Hiện tại không có đánh giá nào